Nghệ Thuật Thơ Văn Nhạc
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Vết chấm phá

Go down

Vết chấm phá Empty Đau đáu Hoàng Sa - Phan Trang Hy

Bài gửi  TQ Thu Jul 17, 2014 6:26 pm

Truyện ngắn của Phan Trang Hy

ĐAU ĐÁU HOÀNG SA

Kính tặng các chiến sĩ Hoàng Sa, Trường Sa…

Lệ thường, ngày nào cũng vậy, lão Ban lại ra biển. Không nhìn thấy biển là lão cảm thấy sao sao ấy. Lão dễ nổi cáu với vợ. Chỉ cần nhìn thấy biển, nhìn ra ngoài khơi xa là lão mới dịu đi những cáu ghét của cuộc đời. Lão đi biển không phải để nhìn thiên hạ tắm, không phải tập thể dục dưỡng sinh, cũng không phải bông lơn chọc ghẹo những mụ hồi xuân. Lão nhìn biển như thể cho vơi bớt nỗi lòng của mình, khi chẳng biết tỏ cùng ai. Thường là lão đi một mình. Nhưng lần này lại khác. Lão cùng thằng cháu nội ra biển chơi.
Nhìn thằng cháu đang lượm những vỏ ốc, vỏ sò, những con sao biển, lão thấy hồn mình như nhập vào sóng biển. Vẫn tiếng sóng vỗ bờ, vẫn tiếng rì rào của đại dương, của hồn biển Đông muôn thuở. Vẫn đâu đây từ cõi sơ khai nước mặn, trời nồng. Bỗng thằng Phong - thằng cháu nội của lão - lên tiếng :
- Nội ơi ! Nội coi nè ! Vỏ ốc này đẹp quá, nội ơi ! - Vừa nói, nó vừa chạy tới khoe lão.
- Ừ ! Đẹp quá !- Lão khẽ nói.
Nhìn vỏ ốc trên tay thằng Phong, lão lại nhớ cái vỏ ốc mà lão đã tặng cho Vũ - ba của thằng Phong. Quá khứ ấy như hiện ra trước mắt …
Lão làm sao quên được cái ngày lão được nghỉ phép về thăm gia đình ở Đà Nẵng. Được trở về đất liền, được thăm vợ, thăm con - thăm cái thằng con trai, cái thằng con mà lão chưa biết mặt, lão cảm thấy sao quá tuyệt vời. Nằm thao thức, nghe sóng, gió mang vị mặn trong đêm, lão không ngủ được. Ngày mai là có tàu vào đất liền. Mừng thật ! Vui thật ! Nghĩ đến vợ con, lão lục tìm trong đầu nên tặng vợ, tặng con những gì ? Ở trên quần đảo này có gì ngoài phân chim, cát vàng, san hô, ốc biển…Tặng gì đây cho vợ, cho con ?
Vừa về đến nhà, lão chào mọi người. Vợ lão ôm chặt lão, khóc : “Sao anh không ở ngoài đó ? Anh về làm gì ?”. Lão biết vợ quá thương mình nên nói vậy thôi. Chính vợ lão đã khuyên lão ra đảo nhận công tác khí tượng kia mà.
Nhìn thằng Vũ nằm trên nôi, lão giơ hai tay ra, vừa vỗ vỗ vừa kêu lên : “Ba đây con ! Cho ba bồng tí !”. Thằng Vũ nằm trong nôi khóc ré lên. Thương con, lão muốn bồng con, ôm con. Nhưng mỗi lần lão bồng nó thì nó không chịu. Một bữa, vợ lão lo sắm sửa một ít đồ dùng để lão ra lại đảo, bèn giao con cho lão. Thằng Vũ cứ khóc, không chịu cho lão bồng. Lão lấy những thứ đồ chơi bằng nhựa cho nó chơi, nhưng nó vẫn không chịu nín. Cực chẳng đã, lão bồng con và dỗ. Lão kêu kêu, cười cừời ; lão làm đủ trò ; nhưng thằng bé vẫn cứ khóc. Khóc miết rồi cũng mệt. Mệt nên nó nín. Rồi nó đưa mắt nhìn lão, nhìn khắp phòng. Lão thấy mắt thằng bé nhìn các thứ để ở trong tủ gương như muốn khám phá điều gì đấy. Nhìn con, lão lấy làm lạ. Những thứ trong tủ có gì lạ đâu. Toàn san hô, ốc biển…, những thứ lão mang từ đảo về. Lão bồng con đứng trước tủ. Thằng bé cười - lần đầu nó nhoẽn miệng cười. Lão lấy mấy thứ nhỏ xinh cho thằng bé chơi, nhưng nghĩ lại, lão sợ thằng bé chơi, rồi nuốt bậy, nên lão cất. Thằng bé lại khóc. Cuối cùng, lão chọn cho con một con ốc to bằng nắm tay. Đây là con ốc lão lượm trên đảo đúng vào lúc nghe tin vợ ở nhà sinh thằng Vũ. Thằng bé cầm con ốc, ngậm vào miệng ra chiều thích thú.
Kể cũng lạ ! Từ khi chơi với con ốc, thằng bé lại muốn lão bồng, lão bế. Chỉ trừ lúc nó thèm sữa, còn thì nó đòi lão bồng chơi cùng con ốc cho bằng được. Nó cũng thích lão hát cho nó nghe, nó cũng thèm lão hôn nó…
…Lão vẫn nặng nợ với đảo. Đảo là nhà, là phần cuộc sống của lão. Những lúc thương con, nhớ vợ, lão chỉ biết ngồi trên bãi san hô nhìn vào đất liền. Làm sao lão quên được những hoàng hôn. Màu sắc kỳ ảo vàng đỏ tím xanh cả biển. Mặt trời lặn dần xuống biển như thể thiên nhiên đang cất giấu viên ngọc hồng vào trong rương vũ trụ. Chỉ còn thứ ánh sáng diệu kỳ trên biển. Và trong lão sáng lên thứ ánh sáng của đêm, thứ ánh sáng gia đình, quê hương…Lão thèm được nhìn vợ, nhìn con, nhìn những gì thân thương của mình. Lão quên sao được những lần đem thư của con ra đọc. Ngó thế mà thằng Vũ cũng đã lớn rồi. Học lớp 11.Thư gửi cho lão, lúc nào nó cũng nhắc đến con ốc mà lão cho nó. Cũng từng ấy câu chữ, nó cứ viết vào những lá thư gửi cho lão : “Ba biết không ? Bạn bè con, đứa nào cũng trầm trồ vì con có con ốc đẹp. Con đã từng khoe với bọn chúng là con ốc mang cả hình hài của quần đảo Hoàng Sa. Bọn chúng không tin. Nhưng con tin là thế !”.
Lão cũng tin là thế ! Lão tin quần đảo Hoàng Sa là máu thịt của quê hương. Làm sao lão quên được có lần lão đã dắt thằng Vũ về quê ở tận Quảng Ngãi. Trong lần giỗ chạp, ông tộc trưởng họ Đặng của lão đã từng nhắc rằng lão là kẻ hậu sinh đang kế nghiệp tiền nhân. Mở gia phả, lão rưng rưng đọc những dòng chữ ghi công tích của họ Đặng. Vua triều Nguyễn đã từng phái dòng tộc lão vượt đại dương trấn giữ Hoàng Sa. Lão cảm thấy như máu tiền nhân đang chảy trong cơ thể, tăng thêm nghị lực, tăng thêm tình yêu cho lão trên đảo Cát Vàng. Làm sao lão quên được lúc cúng tế, bà con tộc họ đã bỏ thức ăn, sau khi xong lễ, vào một chiếc thuyền làm bằng bẹ chuối, thả xuống biển. Mũi thuyền hướng về Hoàng Sa như thể rằng Hoàng Sa không thể quên trong hồn người đã khuất. Trong tâm tưởng lão, lúc nào chiếc thuyền bẹ chuối ấy cũng lớn như những chiếc thuyền của dòng tộc họ Đặng, họ Trần, họ Lê…ở quê lão vâng lệnh triều đình, tiến thẳng Hoàng Sa…Trong lão như trỗi dậy những bài văn tế các thủy binh thời ấy. Nhận lệnh vua, nặng nợ nước nhà, buổi ra đi đâu dễ dàng. Sóng gió trùng khơi, thủy quái dẫy đầy, đến Hoàng Sa đâu dễ. Các thủy binh được tế sống lúc lên đường như thể rằng quê hương vẫn nặng nợ với những người con. Lão bùi ngùi, run rẩy như có ai đang bóp nghẹt trái tim. Lão khóc…
Và lão đã khóc rất nhiều khi nghe tin thằng Vũ hy sinh trên Trường Sa năm 1988. Lão không ngờ như vậy. Kỷ vật cuối cùng của con lão là quyển nhật ký. Lão đã đọc đi, đọc lại hoài. Những dòng cuối cùng lão như thuộc lòng : “Ba ơi ! Biển đảo là biển đảo của quê hương do cha ông để lại cho con cháu đời sau. Phải giữ để khỏi có tội với tiền nhân, với con cháu. Dẫu có hy sinh, con vẫn không hối tiếc điều gì vì đã thực hiện theo lời ba dạy.”. Đến giờ, lão vẫn không biết mình dạy con điều gì. Lão chỉ nhớ những việc làm, những tình cảm gắn bó với Hoàng Sa. Không biết có phải những điều ấy là lời lão dạy với con ? Có lần thằng Vũ cầm con ốc đố lão - lúc nó vừa thi xong tú tài : “Đố ba, trên mình con ốc này có gì ?”. Lão ngạc nhiên sao con lão đố như vậy. Nhìn con ốc, lão cười đáp : “Thì chỉ những chấm, những chấm màu vàng nâu”. Thằng Vũ cũng cười, nói : “Rứa con đố làm gì !”. Rồi nó chỉ từng cái chấm, hỏi lão có giống những đảo mà lão đã từng ở không, nhiều chấm có phải là quần đảo không…Và rồi nó kết luận : “Trên mình ốc có in hình quần đảo Hoàng Sa”. Kể cũng hay hay. Từ đó, nó để con ốc vào chỗ trang trọng nhất. Khi nhập ngũ, đi bộ đội hải quân, nó xung phong đi Trường Sa. Lão không gàn con. Nó cũng có tình yêu đảo như lão kia mà !
Kể từ ngày thằng Vũ mất, lão như mất hồn. Cứ những đêm rằm, mồng một, lão lại ra biển. Dù nắng, dù mưa, lão vẫn ra biển thắp ba cây nhang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa mà vái. Ngoài kia, những con thuyền thả lưới, những chiếc tàu đánh bắt cá sáng rực những ánh đèn như thành phố nổi trên biển. Trước mắt lão hiển hiện những ngư dân cần mẫn, chăm chỉ, chịu khó chịu thương. Trước mắt lão hiện lên những chàng trai giữ đảo, có cả hồn của những người như con trai lão cùng tiền nhân giong thuyền xuôi ngược biển Đông. Nhiều lúc lão lẩm bẩm một mình như đọc thơ về Hoàng Sa…
Và rồi thành phố Đà Nẵng bổ nhiệm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa. Lòng lão trỗi dậy thứ tình yêu biển đảo mà bấy lâu nay ẩn trong tiềm thức. Người họ Đặng hôm nay lại nối tiếp họ Đặng, họ Trần, họ Lê… ở quê lão, như cái thuở cha ông vâng lệnh triều đình ra đảo, gánh trách nhiệm với Hoàng Sa. Lão thấy mình như trẻ lại, khỏe lại và vui hơn. Không vui sao được khi đất đảo quê hương được nhắc đến ? Không vui sao được khi có người dám nhận trách nhiệm nặng mang ? Lời thằng Vũ trong nhật ký sáng rực trong tâm trí lão : “Biển đảo là biển đảo của quê hương do cha ông để lại cho con cháu đời sau. Phải giữ để khỏi có tội với tiền nhân, với con cháu…”.
Tiếng thằng Phong như đánh thức lão :
- Nội ơi ! Mai con phải vào thành phố Hồ Chí Minh.
- Ở thêm ít ngày, được không ? - Lão hỏi như trách .
- Con phải vào để thầy hướng dẫn làm luận văn .
- Thế thì phải vào thôi ! Mà này, con làm đề tài gì ?
- Dạ ! Con làm đề tài về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong mối quan hệ với biển Đông.
Trầm ngâm một lúc, lão lên tiếng :
- Gay đó con ! Nhưng phải gắng thôi.
- Dạ ! Con nghe lời nội.
Hai ông cháu cùng dắt tay xuống tắm. Nước biển tắm mát cơ thể lão, cơ thể cháu lão. Nước biển Mỹ Khê giống như nước biển Hoàng Sa. Lão nghe mằn mặn bờ môi. Lão đứng lên. Mặc từng cơn sóng đổ trên người, lão nhìn ra xa khơi. Đau đáu là Hoàng Sa trong nỗi nhớ…

Tháng Năm, 2009
Phan Trang Hy

Trích từ tập truyện NGƯỜI THẦY DẠY BÚP BÊ, Nxb Văn nghệ, 2009


TQ

Tổng số bài gửi : 25
Join date : 17/07/2014

Về Đầu Trang Go down

Vết chấm phá Empty Vết chấm phá

Bài gửi  TQ Thu Jul 17, 2014 6:26 pm

Mảng ký ức


“Bé Lan! Về tắm con.” – Tiếng ông Sơn khàn khàn gọi con gái vọng từ ngoài cổng, khiến ba đứa trẻ cả trai lẫn gái đang chơi chung trong sân cùng nhìn ra.. Bé Lan dạ to rồi ôm con poupée chạy nhanh ra cổng, bỏ quên cả viên “thuốc” bánh men, vừa được “nữ bác sĩ” tí hon khám bệnh kê toa.

Còn lại hai anh em đứa nhỏ nhìn theo.. Rồi lặng lẽ dọn bàn thuốc cùng ống chích. Đứa con trai cầm chiếc hộp còn ít đậu phọng da cá, nghiêng qua đứa bé gái như muốn chia đôi. Con bé thoáng ngần ngừ, rồi lắc đầu:

- Em không ăn đâu, anh ăn đi.

Nó nhìn hộp đựng bánh men còn ít viên, cầm lên:

- Bé lấy cái này! – Rồi như sực nhớ, con bé đưa qua anh nó:

- Anh ăn không ?

Đứa con trai lắc đầu:

- Em ăn hết đi.

Nói rồi, đứa anh đứng lên đi vào nhà. Nó chuẩn bị tới nhà nguyện trong họ đạo đi lễ, rồi còn ở lại dự lớp giáo lý “Bao Đồng”. Con bé thì đang theo học lớp giáo lý “Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu” cùng nhà Thờ, nhưng cách ngày với anh nó.

Như thường lệ, bạn của anh nó (cũng là anh của bé Lan) qua nhà rủ anh nó cùng đi đến nhà Thờ, cách vài mươi bước. Con bé theo sau anh nó ra đóng cổng, vừa kịp thấy bé Lan cùng bố mẹ trên chiếc HonDa đang nổ máy.. Bé Lan vẫy tay, cố gọi tên anh trai trước khi chiếc xe mến..

Anh của con bé chợt quay đầu nhìn em gái, nói nhanh:

- Bé vô nhà đi, nhớ khóa cửa lại!

@@@
Anh nó đi khỏi một lúc thì trời tối sập như sắp mưa to. Ngọn đèn dầu trên bàn mấy lần chao đi, chực tắt. Phải đợi đến 9 giờ tối nhà đèn mới mở điện – theo lịch cúp điện hàng tuần! Con bé lần xuống bếp, chuẩn bị đi tắm rồi ăn cơm. Nó muốn học bài cho xong trước khi có điện, còn kịp xem bộ phim Mai-Ka mà nó rất thích!

Trông thấy bác giúp việc đang gắp than xếp lên nắp nồi cơm bằng gang, con bé không khỏi thắc mắc:

- Sao phải bỏ than lên nắp nồi hả bác ?

“Ủ than trên nắp nồi để cơm chính đều đấy cháu ạ!” – Bác giúp việc trả lời rồi quay nhìn ra cổng, dáng băn khoăn:

- Sao hôm nay mợ về muộn nhỉ ?

Nghe nhắc đến mẹ, con bé bần thần.. Nó rất sợ trời mưa mà mẹ còn đâu đó bên ngoài, chưa về nhà – nhất là những khi đã qua chiều tối như hôm nay. Con bé tự nhiên vòng tay ôm ngang người bác giúp việc, nó quay đầu ra sau như muốn giấu đi đôi mắt chớm long lanh.. Con bé chợt nhận ra chiếc bóng nhỏ bé của chính mình, đang nép vào chiếc bóng lom khom của bác giúp việc – lúc này tưởng như hình dáng của mẹ nó.. Con bé liên tưởng tới câu chuyện “Thiếu phụ Nam Xương”, mà mẹ nó từng kể với hai anh em. Nó rất thích nghe mẹ kể chuyện cổ tích nhưng lâu rồi, có lẽ mẹ bận nhiều việc nên đã quên kể chuyện cho anh em nó nghe.

“Bé tắm đi, không thôi mợ về tới lại chờ cơm..” – Bác giúp việc đập nhẹ lên vai con bé, khẽ nhắc.
@@@

Con bé tắm xong ra ngồi vào bàn học. Bác giúp việc cầm củ khoai lang nướng đã bóc một phần vỏ, đưa tới cho nó:

- Bé ăn đi, mợ về rồi cả nhà ăn cơm.

Mùi thơm từ củ khoai nướng có phần lạ và hấp dẫn với con bé. Nó đưa cả hai bàn tay đón lấy rồi đưa lên mũi hít hà, tỏ ý thắc mắc:

- Khoai này.. Ở đâu vậy bác ?

“Ở nhà mình chứ ở đâu!” – Bác giúp việc cười hiền lành, để lộ hàm răng nhuộm đen của người xưa mà con bé vẫn “sờ sợ” khi nhìn vào.. Bác giúp việc giục nó:

- Bé ăn đi còn học bài. Mợ chắc sắp về rồi.


“Mở cửa con ơi!” – Tiếng mẹ nó vọng từ bên ngoài, nghe thân thương làm sao! Con bé đặt vội củ khoai vừa cắn dở vào tay bác giúp việc, ù té chạy ra trước, quên cả cơn mưa bên ngoài.. Nó muốn là người đầu tiên mở cửa cho mẹ!

“Đừng chạy, đang mưa đấy!” – Bác giúp việc nói theo, tay xách chiếc đèn manchon và cây dù mở ra, bước vội theo con bé, lo nó bị ướt..

Cánh cửa mở rộng, trong ánh sáng hắt ra từ ngọn đèn dầu hỏa trên tay bác giúp việc, con bé ngạc nhiên khi thấy cả anh trai nó cũng đang lúp xúp che áo mưa cùng mẹ.

“Mợ và cả em đã về!” – Bác giúp việc thốt lên, như đã nhẹ lòng..

“Vâng! Tiện đường qua nhà thờ, tôi đón luôn cháu. Thôi, mau vào cả nhà kẻo ướt hết bây giờ” – Người mẹ nhường áo mưa che cho hai con, đoạn quay lại khóa cổng. Bác giúp việc đứng bên soi đèn, một tay che dù cho cả mẹ nó.

Bốn người vô hẳn trong nhà. Con bé đi sát mẹ, nó cầm bàn tay ướt lạnh của mẹ “thơm” bằng mũi, rồi ủ vào ngực áo mình.. Ngước nhìn mẹ, con bé thủ thỉ:

- Sao mẹ về trễ vậy hả mẹ ?

Người mẹ cúi nhìn con.. Mỉm cười vuốt tóc nó, thoáng như ưu tư, khẽ đáp:

- Mưa mà con. Bé đã học bài ở lớp chưa ?

Con bé bẽn lẽn vì chợt nhớ chưa kịp ôn bài cho ngày mai. Mẹ nó nhìn con như đã đoán hiểu:

- Ăn cơm xong con phải học bài. Học rồi mới được coi phim. - Mẹ nó nói nhỏ nhẹ nhưng con bé hiểu đó là mệnh lệnh.

@@@
Trong bữa tối đó, con bé thấy mẹ nó ăn qua loa rồi đứng lên, mang chén đũa ra sau. Bác giúp việc cũng đứng lên sớm hơn thường khi, rồi đi vào bếp.. Không thấy cả mẹ lẫn bác giúp việc trở lên, con bé cầm theo chén đũa của mình và cũng xuống nhà..

“Mợ không đi buôn được đâu, họ bắt ngay thôi!” – Thấy bóng con bé, bác giúp việc quay ra bảo nó:

- Cháu cứ để trên bàn rồi bác dọn cả.

Mẹ nó trông có vẻ buồn phiền, đang đổ gạo từ chiếc túi vải nhiều ngăn, may bằng bao bột mì cũ của Mỹ; có in hình “Bạch Tuyết và 7 Chú Lùn” – do chính tay mẹ nó cắt lấy từ mấy hôm trước – vào chiếc chậu nhỏ dưới đất.

Thoáng nhìn lên con gái, mẹ nó nói cho cả con bé nghe:

- Bác để các cháu tự làm lấy việc của nó. Lớn bằng đấy rồi, nhà có việc gì thì phụ giúp bác khi mẹ đi vắng, thay vì chơi rỗi phí cả thời gian, hư người.

Con bé thoáng chạnh lòng.. Tối nay mẹ nó như có điều không vui mà chẳng biết vì đâu. Nó lặng lẽ làm xong phần việc của mình rồi ra bàn ngồi học.

Sau này nó mới biết, hôm ấy mẹ nó từ Sài Gòn đi xuống Cai Lậy mua thử ít gạo, rồi quấn quanh người bằng chiếc túi vải mà nó đã thấy. Ngay chuyến đi đầu tiên, mẹ nó đã bị theo dõi và bị bắt. Phải đóng thuế và cả nộp phạt cho 10 kg gạo, mới được mang về nhà!

Gần 9 giờ tối, đèn điện trong nhà và cả ngoài phố cùng sáng lên trong tiếng reo mừng –  như vừa được cứu rỗi khỏi chốn “Lâm-bô” (Limbo)!

TQ

Tổng số bài gửi : 25
Join date : 17/07/2014

Về Đầu Trang Go down

Vết chấm phá Empty Re: Vết chấm phá

Bài gửi  TQ Thu Jul 17, 2014 6:33 pm

Biết đâu


Đó là buổi tập cuối cùng nghi thức dâng hoa tháng Đức Mẹ trong Tu Viện, chính thức được cử hành trọng thể vào hôm sau - 1 tháng 5.

Buổi trưa, con bé đến nơi tập sớm hơn mọi ngày. Nó thấy soeur Giám thị ngồi trong văn phòng Tu Viện, nhìn ra cánh cổng vừa mở. Con bé quay lại khép cổng, rồi đi tới trước văn phòng, vòng tay cúi chào soeur Giám thị.

“Ừ! Con ra ngoài sân kia ngồi chờ nhé!” – Soeur Giám thị nói xong, lại cúi xuống gõ lóc cóc vào chiếc máy đánh chữ trên bàn...

Con bé tha thẩn trong sân Tu Viện.. Giờ đó chỉ có nó cùng mấy bông sứ trắng, rụng lăn lóc quanh gốc cây, gần cổng vào...

Cánh cổng Tu Viện mở ra.. Một đứa bé gái cùng tập dâng hoa với nó, được người đàn ông dắt tay dẫn vào. Người đàn ông đứng đó một lúc rồi đi ra. Con bé thử hình dung về ba của nó.. Nếu ba còn ở nhà, chắc cũng sẽ dắt tay hoặc bế nó trên vai như những ngày xa trước.. Hễ ba về đến nhà là bồng anh em nó trên tay, rồi đi tìm mẹ nó và ôm hôn hết cả nhà, cả con “Soleil” lông vàng cũng được ba cưng, gọi bằng con. Với con bé, ba luôn phải nhắc: "Con hôn ba đi!" - Cũng vì hàm râu xanh rì trên khuôn mặt của ba, làm con bé đau rát mỗi khi ba ôm hôn.. (Bây giờ – khi đã ở rất xa – có thể ba mới biết điều này!)

Có tiếng động phía ngoài Tu Viện; hai cô gái với y phục giản dị, mở cổng dắt xe đạp đi thẳng vô trong cánh cửa nhỏ bên hông nhà nguyện. Con bé nhận ra đó là đệ tử thực tập trong nhà Dòng, nó đã thấy hôm trước. Hai đứa bé nhìn theo, rồi cùng mon men đi tới trước cánh cửa đó, thấy có ghi bảng phía trên: “Khu Nội Cấm”.

Đứa bạn quay hỏi con bé:

- “Khu Nội Cấm” là gì ta ?

Con bé nhẩm lại hàng chữ rồi lắc đầu:

- Chắc là cấm không được vô.

“Ai chẳng biết cấm không được vô” –  Đứa bạn thì thào rồi đẩy cánh cửa nhìn vào trong...

“Có gì trong đó vậy ?” – Con bé đứng chờ hỏi bạn.

“Có mấy đệ tử đan mây tre lá trong đó” – Đứa bạn trả lời, vẫn đứng nhìn vào bên trong.. Con bé không thật hiểu đan mây tre lá là như thế nào. Nó hiếu kỳ tới sau lưng đứa bạn rồi cũng ghé nhìn vào.. Ở cuối hành lang bên kia, con bé trông thấy một phần căn phòng có người đang ngồi, cặm cụi làm gì đó với những bó sợi dài màu trắng ngà, như màu nón lá của mẹ nó. Một trong hai nữ đệ tử mới vào, từ góc hành lang đi ra, cầm theo một túi nilon có chứa ít đá lạnh. Một nữ đệ tử khác trông thấy, khẽ reo:

- Có nước lạnh hả chị ? Cho em uống với!

Không rõ điều gì từ câu nói của nữ đệ tử kia, chợt khiến con bé bâng khuâng..

“Ai cho các con mở cửa vào đây ?!” – Giọng nói khẽ của một nữ tu lớn tuổi, nhưng không kém phần nghiêm khắc, đột ngột cất lên từ phía sau, khiến cả hai đứa bé giật thót mình quay lại.

“Con xin lỗi Dì!” – Một rồi cả hai đứa bé cùng lí nhí, vòng tay cúi đầu..

“Đã có bảng ghi Khu Nội Cấm, các con không được phép mở cửa, nhớ chưa ?” – Vị nữ tu dứt câu, ra dấu cho cả hai đứa bé ra ngoài.

“Aaa.. Hai đứa dám vô Khu Nội cấm, lát Dì M ra, méc Dì M” – Tiếng một đứa bé cùng tập dâng hoa la lên, như đã rõ chuyện. Những đứa bé còn lại cùng quay nhìn hai đứa bé lỗi nghịch, rồi tụm lại thì thầm..

“Dì M đến kìa!” – Tiếng một đứa reo lên, những đứa khác cùng ùa ra vây quanh vị nữ tu trẻ đẹp vừa xuất hiện trong sân.

Con bé không ra đón soeur M như mọi lần, nó chỉ đứng lặng một bên.. Buổi tập hôm đó diễn ra như thường lệ. Soeur M dặn tất cả phải đề rõ tên mình, ghim trên ngực áo đồng phục dâng hoa, rồi mang tới Tu Viện gởi vào sáng mai, trước giờ lễ chiều.
 
Đám trẻ đến chào soeur M trước khi ra về. Con bé cũng tới chào. Lúc này, soeur M mới nói:

- Con ở lại, cả bé P. Hai đứa vô góc qùy cho Dì!

Bé P buồn hiu quay nhìn bạn, rồi vâng lời chầm chậm vô góc qùy. Soeur M nhìn con bé, nhắc lại:

- Con nữa!

Con bé đứng im.

Soeur M nghiêm giọng:

- Con không nghe lời Dì phải không ?

Con bé vẫn đứng im.

“Nếu con không vâng lời Dì, từ nay đừng nhìn mặt Dì nữa!” – Giọng nói soeur M nghe thoảng như xa...

Những giọt nước tròn nặng, dâng đầy đôi mắt con bé rồi rơi xuống không ngừng.. Tai và cả đôi chân nó như mất dần cảm giác.. Soeur M quay đi, tới chỗ bé P, nâng nó đứng lên rồi dắt ra ngoài..

Còn lại một mình, con bé gạt nước mắt, bước ra cổng về nhà..

 Buổi lễ dâng hoa trong Tu Viện chiều hôm sau, diễn ra theo nghi thức đã tập – có cả con bé. Soeur M không nói chuyện với nó. Cô L đệ tử đánh phấn cho cả đoàn thiếu nhi dâng hoa, nhưng chừa nó ra. Con bé nghĩ cô đệ tử quên nó, nhưng qua hôm sau cũng vậy. Con bé chờ hết lượt, rồi cùng đoàn thiếu nhi ra dâng hoa mà không được đánh phấn như các bạn. Nó suy nghĩ và không muốn trở lại Tu Viện thêm nữa.

Cũng đúng vào hôm sau, con bé bị sốt. Mẹ nó nấu soup cho con ăn, lấy thuốc cho nó uống rồi đổi khăn ướt đắp lên trán con.. Hy vọng con bé giảm sốt, chiều còn vô Tu Viện dâng hoa, không cũng cần cho nhà Dòng biết còn kịp tìm người thay thế. Trái với trông đợi của người mẹ, nhiệt độ con bé tăng lên sau đó. Mẹ nó định đến Tu Viện báo tin, thì trời bên ngoài đột ngột chuyển mưa.. Cơn mưa kéo dài gần tới giờ lễ của Tu Viện vẫn không ngớt. Mẹ con bé đang lo, chợt nghe ngoài cổng có tiếng gọi tên con bé..

Con bé nhận ra tiếng cô L, đệ tử trong Tu Viện. Nó không ngờ vì cô tìm đến tận nhà. Mẹ nó quay nhìn con, đặt tay lên trán con bé rồi đi vội ra mở cổng. Con bé nghe tiếng mẹ nó trở vô phòng, có cả tiếng cô đệ tử L theo sau. Con bé xoay vào trong, nhắm mắt.. Mẹ nó đến bên, chạm vào vai con lay khẽ mà con bé vẫn nằm im. Thấy lạ vì thái độ của con nhưng không rõ chuyện gì, mẹ nó đành quay ra nói với cô đệ tử chờ bên ngoài một lát.

“Có chuyện gì nói cho mẹ biết.” – Mẹ nó gọi khẽ, khi chỉ còn hai mẹ con trong phòng:

- Mau đi con! Trời đang mưa, để người trong Tu Viện đến tận nhà tìm.. Cô đệ tử đang chờ bên ngoài kia.. – Tiếng mẹ con bé thúc giục, trong khi con bé nằm im ứa nước mắt..

“Ô hay! Chuyện gì mà khóc ? Phải kể thì mẹ mới biết chứ, nhưng không thể để người của nhà Dòng chờ, lỡ hết công việc.. con có hiểu không ?!”

Rồi con bé cũng kể lại việc cô L đệ tử đánh phấn cho cả đoàn thiếu nhi dâng hoa, chỉ chừa mình nó. Mẹ con bé nghe chăm chú, thoáng vẻ ngạc nhiên. Sau đó, mẹ nó ra ngoài rồi trở vào lần nữa cùng cô đệ tử L. Cô L cúi xuống gần, cười trêu con bé.. Cô quay ra nói với mẹ nó:

- Chị nhìn xem con chị này! Da như trứng gà bóc thế, còn đánh phấn làm gì nữa.

Con bé nghe mà không hiểu. Mẹ nó phải giải thích rõ hơn, trong khi cô L năn nỉ mẹ con bé cho cô cõng con bé tới Tu Viện hôm đó.

Cô L trùm kín áo mưa cho nó, con bé gục trên lưng cô.. Nó có cảm tưởng, đoạn đường từ nhà tới Tu Viện như rất dài – so với thực tế chỉ mươi căn. Cô L trò chuyện với con bé cho tới Tu Viện, như sợ nó thiếp đi. Con bé thấy thương cô L, phải khổ công vì nó và nó như quên đi cơn sốt đang hành..

Con bé nhớ tới soeur M trước kia, cũng hay trò chuyện và cả bẹo má nó..

@@@

Sau buổi dâng hoa cuối cùng trong tháng, soeur M và cô L đệ tử dắt cả đoàn thiếu nhi đến một tiệm phở Bắc “lai căn”, vì nước dùng nêm rất ngọt – với tên tiệm truyền thống chỉ một từ. (Tiệm này nằm trên đường lộ, song song với con đường có Tu Viện nữ - rất gần con hẻm vào khu Cư Xá, nơi gia đình “Công tử Hà Đông” cư ngụ).

Suốt bữa ăn, soeur M không hề nhìn hoặc nói tới con bé. Những năm sau đó, con bé không gặp lại soeur M. Hỏi thăm soeur L (cô đệ tử năm xưa đã cõng con bé) mới biết tin soeur M mắc bệnh phổi, phải xuất ra chữa bệnh và đã về quê xây dựng gia đình từ lâu. Qua “bé P”, nó còn biết soeur M đã khóc khi dắt bé P ra khỏi Tu Viện, sau khi bỏ mặc con bé “củi mục” hôm xưa..

Con bé đã yêu mến hình ảnh người nữ tu qua chính soeur M, và soeur M cũng từng khuyến khích con bé.. Nếu như nó không xa “Dì M”, và nếu như nó không gặp chàng sinh viên công tử trường nhạc năm xưa, biết đâu...

TQ

Tổng số bài gửi : 25
Join date : 17/07/2014

Về Đầu Trang Go down

Vết chấm phá Empty Re: Vết chấm phá

Bài gửi  TQ Sat Sep 06, 2014 12:27 pm

Bệnh‏


Ai đi qua con hẻm đền Thánh An-Tôn ngày đó, có thể đã thấy một đứa bé trai bại liệt ngồi trên chiếc ghế nhựa kê sát vách tường. Nó ngồi đó nhiều năm, ngây ngô nhìn người qua lại và bật cười thích thú, khi có ai đó vấp ngã hoặc đánh rơi vật dụng. Người qua đường vô ý bước gần thằng bé, thường bị nó nắm giỏ kéo hoặc níu áo quần.. Vài đứa trẻ tai ác, lén cấu ngắt thằng bé bệnh tật rồi bỏ chạy.. Chúng đem bánh trái dụ thằng bé rồi giật lại khoái trá, khi thằng bé đưa tay ra đòi. Có đứa còn lấy súng nước và cả ống thụt bằng tre, nhồi chặt giấy ướt, nhắm vào thằng bé xấu số.. Những lúc đó, thằng bé bệnh tật sững người rồi ú ớ kêu la.. Nó ngửa đầu ra sau, tự đập vào vách tường liên tiếp - cách phản kháng duy nhất mà nó có thể  !

Đã mấy lần thằng bé lên cơn động kinh. Người nhà để nó ngồi đối diện trước cổng, nơi họ có thể quan sát bên ngoài qua những ô cửa sắt. Sát vách nhà thằng bé là con hẻm rộng và cụt, có trồng cây khế và vú sữa, tỏa bóng râm mát nên lũ trẻ nhỏ thường lui tới đây và không lạ gì thằng bé bại liệt.

Có lần, tôi cùng vài đứa bạn đang chơi ở đó, nghe tiếng thằng bé bại liệt kêu la giận dữ bên ngoài.. Một lúc, người chị nuôi của nó trong nhà chạy ra, đến ôm đứa em bệnh tật dỗ dành.. Thằng bé đang cơn kích động, liền nắm tóc cô chị ốm yếu kéo xuống; trong khi vẻ mặt ngây dại của nó trừng trừng vào ngôi nhà phía bên kia con hẻm..

Ngoài mấy đứa nhóc chơi trong hẻm cụt bấy giờ, tôi không thấy còn đứa trẻ nào lai vãng gần đó; để nghĩ ra lý do thằng bé giận dữ như vậy. Tôi sẽ quên chuyện này; nếu không tình cờ lần nữa bắt gặp thằng bé bại liệt trong trạng thái kích động, hệt như lần trước - cũng ngây mặt hướng vào ngôi nhà bên kia con hẻm như bị thôi miên.. Lần này, tôi bước nhanh tới và quay nhìn vào.. Trong giây lát, tôi kịp nhận ra từ phía sau chấn song của bức tường nhà đó, có người con thanh niên đang trợn mắt dọa thằng bé.. Thấy tôi, anh ta quay đầu đi vào nhà.

"Đứa nào phá em đấy hử ?!" - Tiếng người đàn bà, mẹ của thằng bé vang lên rõ từng lời sau lưng tôi:

- Khổ quá con tôi! Mẹ đây, mẹ đây mà! Thôi nào, cho mẹ xin...

Tôi quay đầu nhìn lại, thằng bé bại liệt đang nắm trên tay chiếc kẹp tóc của mẹ nó; bất ngờ ném thẳng vào mặt bà..

"Lạy Chúa tôi con ơi !" - Bà đưa tay che mặt và giữ mái tóc rối tung vì cơn giận dữ của đứa con trai tật bệnh..

TQ

Tổng số bài gửi : 25
Join date : 17/07/2014

Về Đầu Trang Go down

Vết chấm phá Empty Re: Vết chấm phá

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết